Breaking News

Sự sinh tồn ngoài trái đất

Trong vòng 1 năm qua, cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất của các nhà thiên văn đã nở rộ những phát hiện đầy hứa hẹn. Trong đó, ứng cử viên tiềm năng nhất của cuộc tìm kiếm hấp dẫn này vừa lộ diện

Trang International Business Times cuối tháng 4-2017 cho rằng siêu Trái đất LHS 1140b - phát hiện mới nhất của các nhà khoa học - chắc chắn sẽ là tâm điểm nghiên cứu thời gian tới trong bối cảnh Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sắp phóng kính viễn vọng không gian lớn nhất thế giới James Webb.
Gần gũi với Trái đất
LHS 1140b được phát hiện nhờ hệ thống 8 kính viễn vọng tự động tại cơ sở dự án MEarth của ĐH Harvard - Mỹ đặt ở trạm quan sát Cerro Tololo gần TP La Serena - Chile. TS Jason Dittmann ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard Smithsonia (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu, đánh giá LHS 1140b là ngoại hành tinh - tức hành tinh quay quanh quỹ đạo một ngôi sao ngoài hệ Mặt trời - lý thú nhất mà ông từng thấy trong thập kỷ qua.
Ngoại hành tinh có kích thước lớn gấp 1,4 lần Trái đất và nặng hơn 7 lần này quay quanh ngôi sao lùn đỏ được đặt tên là LHS 1140, ở cách hệ Mặt trời 39 năm ánh sáng. LHS 1140 có khối lượng nhỏ hơn Mặt trời 60% và mát mẻ hơn. Thế nên, dù LHS 1140b gần ngôi sao của mình hơn 10 lần so với khoảng cách Trái đất - Mặt trời nhưng nó chỉ nhận được được ánh sáng bằng phân nửa Trái đất. LHS 1140b nằm giữa vùng Goldilocks (vùng có thể sống được) của LHS 1140, nghĩa là có nhiều điều kiện cần thiết để phát triển sự sống ngoài hành tinh.
Trong một nghiên cứu năm 2013, các nhà khoa học nhận thấy hành tinh quay quanh ngôi sao lùn đỏ có nhiệt độ bề mặt cho phép nước lỏng tồn tại nếu lượng ánh sáng chiếu đến bằng 0,2-0,8 lần ánh sáng Trái đất nhận từ Mặt trời. LHS 1140b thậm chí được đánh giá là có tiềm năng sự sống hơn cả hai phát hiện đột phá nhất trong lĩnh vực này gần đây - ngoại hành tinh Proxima b giống Trái đất và 7 hành tinh "chị em" với Trái đất.
Siêu Trái đất LHS 1140b, ngôi sao lùn đỏ LHS 1140 Ảnh: ESO/IAU AND SKY &TELESCOPE - DAILY MAIL
Theo các nhà nghiên cứu, LHS 1140b có thể đã được hình thành theo kiểu tương tự Trái đất. Họ cho rằng kích thước nhỏ gọn của ngôi sao chủ mà LHS 1140b quay quanh cũng như sự gần gũi của nó với Trái đất sẽ giúp các kính viễn vọng tìm kiếm được những loại khí đặc trưng trong bầu khí quyển có thể có của hành tinh 5 tỉ năm tuổi này.
Trước khi các siêu Trái đất được phát hiện, Trái đất của chúng ta được xem là hành tinh đất đá lớn nhất. Những hành tinh lớn tiếp theo trong hệ Mặt trời đều có bầu khí quyển, như sao Thiên vương và sao Hải vương. "Các nghiên cứu trước đây cho thấy những hành tinh lớn hơn Trái đất khoảng 1,5 lần thường được bao quanh bởi một bầu khí quyền" - TS Dittmann cho biết.
Theo TS Nicola Astudillo - Defru từ Geneva Observatory (Thụy Sĩ), một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, khó thể hy vọng tìm thấy mục tiêu tốt hơn LHS 1140b để tiến hành một trong những cuộc tìm kiếm lớn nhất thế giới khoa học, tức tìm kiếm bằng chứng sự sống bên ngoài Trái đất. "Những điều kiện hiện tại của LHS 1140 đặc biệt thuận lợi. Ngôi sao lùn đỏ này quay chậm hơn và phát bức xạ năng lượng cao ít hơn những ngôi sao đồng loại" - TS Defru giải thích.
"Em trai" hệ Mặt trời
Để sự sống có thể tồn tại trên một hành tinh, cần phải có nước bề mặt lỏng và bầu khí quyển. Khi những ngôi sao lùn đỏ còn trẻ, chúng thường phát bức xạ có thể phá hủy bầu khí quyển của các hành tinh trong quỹ đạo của mình. Trong trường hợp đó, với siêu Trái đất cỡ LHS 1140b, một thế giới đại dương magma có thể tồn tại trên bề mặt của nó hàng triệu năm. Đại dương dung nham sôi sục này có thể bốc hơi vào khí quyển sau khi ngôi sao làm dịu dòng chảy của nó, từ đó có thể hình thành nước cho hành tinh.
Mới đây, hôm 3-5, một tin vui khác đến từ NASA đang mở ra những cơ hội lớn để thấu hiểu sự hình thành hành tinh của chúng ta và hàng xóm xung quanh. Một hệ hành tinh có cấu trúc đặc biệt giống hệ Mặt trời được phát hiện nằm cách Trái đất chỉ 10,5 năm ánh sáng.
Hệ thống kính viễn vọng tự động phát hiện ra chúng Ảnh: ESO/IAU AND SKY &TELESCOPE - DAILY MAIL
Theo NASA, hệ hành tinh này quay quanh ngôi sao có tên Epsilon Eridani, hay Eri, nằm trong chòm sao Eridanus vốn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các nhà khoa học cho biết hệ hành tinh quanh Eri trông khá giống hệ Mặt trời của chúng ta, được cho là phiên bản thời trẻ của hệ Mặt Trời với "tuổi đời" chưa tới 1 tỉ năm.
Tuổi thọ Eri chỉ bằng 1/5 Mặt trời. Theo nhà thiên văn Massimo Marengo, thành viên nhóm nghiên cứu, hệ hành tinh quanh ngôi sao này đang trải qua quá trình biến động địa chất, tương tự những gì xảy ra với hệ Mặt trời trong giai đoạn mới hình thành vốn tạo điều kiện thuận lợi cho sự sống.
Thông qua dữ liệu từ Đài Thiên văn hồng ngoại trên tầng bình lưu (SOFIA - đặt trên một máy bay và có khả năng chụp ảnh chi tiết những ngôi sao ở xa), các nhà khoa học nhận thấy Eri được bao quanh bởi hai cấu trúc, một đĩa trong và một đĩa ngoài, cùng khoảng trống dường như được tạo ra bởi các hành tinh. Để giải mã những bí ẩn ở khoảng trống giữa hai cấu trúc đĩa cũng phải trông cậy vào kính viễn vọng tối tân James Webb sắp đi vào hoạt động của NASA. 

(Theo NLĐ)

Bài đăng phổ biến