Phòng chống tham nhũng: Cần cơ quan chuyên trách?
Nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định các quy định về việc kê khai tài sản hay kiểm tra việc kê khai tài sản như hiện nay chưa thực sự có tác dụng cao trong phòng chống tham nhũng
Đây là ý kiến chung của hàng chục chuyên gia về pháp lý, các luật sư và luật gia tại TP HCM bày tỏ tại buổi tọa đàm góp ý cho dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN- sửa đổi) do Trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP HCM (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) và chi hội luật gia tại trung tâm này tổ chức vào sáng 21-5.
Tất cả đều kiêm nhiệm
Dẫn việc nhiều nước có cơ quan chuyên trách chống TN trực thuộc chính phủ, chẳng hạn Singapore có Cục Điều tra TN (CPIB) trực thuộc thủ tướng chính phủ và chỉ có 75 nhân viên nhưng làm được khối lượng công việc rất lớn, luật gia Trần Đình Thu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu vấn đề này vì luật về PCTN của chúng ta không tạo ra được một cơ quan chuyên trách chống TN mà tất cả đều kiêm nhiệm.
"Đây là một trong những lỗ hổng lớn nhất của luật này. Dự thảo lần này không có tính đột phá so với luật cũ là có nhiều lý do, trong đó có lý do thiếu vắng cơ quan chuyên trách về PCTN. Hiện nay, các cơ quan trong lĩnh vực chống TN đều kiêm nhiệm" - ông Thu nói và phân tích thêm cơ quan chuyên trách mà nằm trong quá nhiều cơ quan khác nhau thì thực tế là rất yếu. Cho nên, muốn chống TN chỉ cần một cơ quan chuyên trách độc lập, được thành lập bởi Luật PCTN, trực thuộc Chính phủ, có quyền và nghĩa vụ điều trần trước Quốc hội… mới đủ nhiệm vụ và quyền hạn chống TN. Ở các địa phương sẽ có các văn phòng của cơ quan này.
Theo ThS Bùi Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế (Hội Luật gia Việt Nam), nếu phòng cháy hay phòng bệnh đều quan trọng hơn chữa cháy hay chữa bệnh thì việc phòng ngừa TN cũng quan trọng và cần thiết hơn chống TN. Trong khi đó, luật của ta chỉ nhấn mạnh đến chống TN mà ít nói đến phòng ngừa. Nhìn ra các nước trên thế giới hay khu vực (như Thụy Sĩ, Singapore…), luật của họ coi việc quy định sao cho các quan chức "không được, không dám và không thể" TN, tức là phòng ngừa chứ không chỉ đặt ra những luật lệ để xử lý khi TN xảy ra rồi.
Tránh hình thức trong kê khai tài sản
Dẫn minh họa từ nhiều vụ án về TN mà dư luận quan tâm, ThS Bùi Việt Cường nhấn mạnh dù so với luật cũ thì dự thảo đã có thêm một chương mới là chương III "Minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập" nhưng điều quan trọng là phải làm sao để việc kê khai và kiểm tra kê khai không chỉ là hình thức. Trong thực tế có chuyện cơ quan chủ quản chỉ kiểm tra chiếu lệ cho "đúng quy trình". Điều này làm cho việc thực thi Luật PCTN trở thành hình thức, kém thuyết phục, giảm sút niềm tin của người dân vào quyết tâm của Đảng, nhà nước.
Nhìn nhận thêm về khía cạnh này, luật gia Trần Đình Dũng nhấn mạnh: "Dự thảo đã đưa luôn cả việc kê khai tài sản của vợ/chồng và con chưa thành niên của chủ thể. Đây là điểm tiến bộ so với các luật cũ. Tuy nhiên, hai nơi cất giấu tài sản này không được chủ thể ưu tiên do nguy cơ bị dư luận soi mói rất cao, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội gây tác động lớn lên công luận như hiện nay. Chủ thể vẫn hoàn toàn có thể giấu tài sản bằng việc để con đã thành niên hoặc cha mẹ đứng tên".
Khẳng định việc kê khai tài sản và minh bạch tài sản hiện nay chỉ mới ngăn chặn được đối tượng TN mua sắm tài sản thuộc các loại phải khai báo chứ ít có tác dụng ngăn chặn TN, luật gia Trần Đình Thu khẳng định: "Chẳng có ai TN mà cất giữ tài sản TN bằng cách mua nhà cửa, đất đai, xe cộ, cổ phiếu, mở tài khoản ngân hàng rồi đứng tên mình hoặc người thân vì sẽ dễ bị phát hiện. Trong 10 năm thực hiện Luật PCTN 2005, chúng ta chưa hề phát hiện TN thông qua cách làm minh bạch tài sản. Dĩ nhiên, vẫn phải minh bạch tài sản để quản lý nhưng cứ tin chắc vào đó là đủ rồi thì sẽ thiếu sót lớn".
Nhiều luật gia cũng bày tỏ thống nhất cao với việc dự thảo còn hạn chế việc giám sát của Quốc hội, HĐND, MTTQ trong công tác PCTN nhìn từ góc độ giám sát tài sản. Theo đó, dự thảo quy định người được biết thông tin bản kê khai tài sản của đối tượng phải kê khai chỉ gồm: lãnh đạo cơ quan người kê khai, đơn vị phụ trách công tác cán bộ (vụ, phòng tổ chức cán bộ), hội đồng bầu cử quốc gia và ủy ban bầu cử các cấp. Tuy nhiên, hội đồng bầu cử quốc gia và ủy ban bầu cử các cấp chỉ được lập ra vào thời điểm bầu cử (5 năm/lần) và giải tán khi bầu cử xong, trong khi việc PCTN cần phải thường xuyên; lãnh đạo cơ quan và bộ phận tổ chức của cơ quan thì vẫn khó vì TN luôn gắn với người có chức vụ và hiếm khi việc TN xảy ra đơn lẻ. Do đó, thông tin về tài sản khi có sự tăng lên bất thường của người kê khai và công tác xác minh rất dễ bị che giấu bởi sự bao che lẫn nhau vì "lợi ích nhóm".
(Theo NLĐ)