Bị phạt nếu đưa ảnh trẻ em lên mạng xã hội khi không xin phép
Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng khi đưa thông tin bí mật đời tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định 56/2017, quy định về trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, có hiệu lực từ ngày 1-7-2017.
Tôn trọng quyền của trẻ em
Theo TS - luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP HCM), Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có quy định về quyền nhân thân của cá nhân. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Cá nhân ở đây được hiểu bao gồm cả trẻ em. Khoản 11 điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về việc cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Như vậy, trẻ em cũng được bảo vệ quyền về bí mật đời tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình để bảo đảm sự phát triển tốt nhất về tâm, sinh lý của trẻ em. Bên cạnh đó, điều 51 Luật Trẻ em 2016 cũng quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em thuộc về toàn xã hội, bao gồm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục gia đình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền… cùng nhau phối hợp trong việc cung cấp thông tin, xử lý thông tin, thông báo, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em. Việc xâm hại ở đây có thể hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các vấn đề về tâm lý, thể chất và đời sống tinh thần của trẻ em.
Việc đăng tải hình ảnh trẻ em phải được sự cho phép của cha mẹ. Nghiêm cấm việc đăng tải hình ảnh trẻ em gây ảnh hưởng xấu tới tương lai của trẻ
"Các bậc phụ huynh cần phải có cái nhìn mới hơn về quyền riêng tư của trẻ em nói riêng, quyền trẻ em nói chung. Việc tôn trọng quyền cơ bản của trẻ em là một hình thức để trẻ em ý thức được quyền của mình, có thể tự bảo vệ bản thân khi có bất kỳ ai xâm phạm đến quyền của mình sau này" - LS Trạch nhấn mạnh.
Có thể khởi kiện ra tòa
LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP HCM) phân tích Nghị định 56/2017 là văn bản quy định chi tiết thi hành một số điều khoản của Luật Trẻ em 2016. Đây là quy định hoàn toàn mới.
"Đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành thì chưa có quy định về chế tài cụ thể đối với trường hợp vi phạm nhưng hoàn toàn có thể áp dụng pháp luật tương tự để giải quyết. Đó là việc xâm hại đến quyền nhân thân, quyền về bí mật cá nhân mà pháp luật dân sự bảo vệ quy định tại điều 32, Điều 38 BLDS 2015. Từ nguyên tắc này có thể áp dụng về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, bí mật riêng tư… của trẻ em từ 7 tuổi trở lên quy định trong Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56. Khi đó cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp cho trẻ có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm đó gây ra" - LS Công nói.
LS Công cũng lưu ý với quy định khi muốn đăng hình của trẻ từ 7 tuổi trở lên phải có ý kiến đồng ý của cha mẹ, người nuôi dưỡng trực tiếp và của chính bản thân trẻ. Nghĩa là phải đủ sự đồng ý của các thành phần đó thì việc đăng hình mới hợp pháp. Tuy nhiên, do chưa có chế tài xử phạt trực tiếp nên khi có sự vi phạm thì không thể xử lý ngay mà chỉ có cách gỡ xuống. Để các quy định của Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56 được thi hành trong thực tế, cần có quy định về chế tài xử lý một cách cụ thể tương ứng với hành vi vi phạm.
LS Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn LS TP HCM) nhìn nhận trong khi mạng xã hội đang phát triển đa dạng như hiện nay và việc kiểm soát thông tin không hề đơn giản thì việc ban hành các quy định trên là rất cần thiết.
"Hành vi đăng tải hình ảnh của trẻ em chỉ được xem là vi phạm pháp luật khi gây ra hậu quả. Việc đăng tải hình ảnh trẻ em chỉ bị nghiêm cấm trong một số trường hợp hình ảnh đó mang tính chỉ trích, bôi nhọ, xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm, gây ảnh hưởng xấu tới tương lai của trẻ. Ngoài ra, việc đăng những thông tin cá nhân của trẻ lên mạng xã hội cũng bị hạn chế nhằm tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng những thông tin này để có hành vi vi phạm pháp luật mà người bị hại là đối tượng trẻ em đó" - LS Thi nói thêm.
(Theo NLĐ)