Ý thức của người Việt ngày một mài một đi
Cần có lực lượng chuyên trách kiểm tra, kịp thời lập biên bản xử phạt triệt để ngay khi hành vi tiểu bậy, xả rác bừa bãi nơi công cộng, đi vào đường cấm... diễn ra để nâng cao ý thức người dân
Gần đây, Báo Người Lao Động có những bài viết phản ánh về tình trạng tiểu bậy, xả rác bừa bãi nơi công cộng, đi vào đường cấm, leo con lươn qua đường, chạy xe máy trên vỉa hè… Đây là những hành vi vi phạm được phóng viên ghi nhận từ thực tế và diễn ra nhan nhản trên đường phố. Trong khi đó, văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… là những vấn đề được pháp luật chúng ta rất quan tâm. Bên cạnh quy định luật chuyên ngành, còn khá nhiều văn bản dưới luật cùng các quy định xử lý. Vậy vì sao các hành vi vi phạm vẫn diễn ra?
Theo tôi, nguyên nhân tồn tại thực trạng này có thể nói một phần do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nhưng trên hết là ý thức của người dân chưa cao. Đây là vấn đề cần đặt ra cho các nhà làm luật và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điển hình, Nghị định 155/2016 NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực môi trường đề ra các mức phạt nghiêm khắc so với trước đây nhưng gần nửa năm trôi qua, việc thực thi Nghị định 155/2016 NĐ-CP vẫn chưa đem lại hiệu quả cho môi trường, văn minh đô thị. Thực tế cho thấy các hành vi vi phạm nêu trên đều xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân. Do đó cần có lực lượng chuyên trách kiểm tra, kịp thời lập biên bản xử phạt triệt để ngay khi hành vi đó diễn ra. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được cụ thể hóa tại nghị định nên dù có đặt ra mức phạt cao thì tính khả thi trong việc chế tài các hành vi nêu trên vẫn chưa được triệt để. Đặc biệt, việc thu tiền phạt đối với một số trường hợp khó hoặc không thể thực hiện được. Thiết nghĩ, cần bổ sung thêm biện pháp chế tài khác bảo đảm việc truy thu tiền phạt qua lương, tài khoản cá nhân hoặc buộc lao động công ích.
Ngoài ra, dù "Luật phổ biến giáo dục pháp luật" đã đề ra chủ trương phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân nhưng trên thực tế vẫn có không ít người dân không được phổ cập kiến thức pháp luật. Vì vậy, song song với việc cần phổ cập kiến thức pháp luật để nâng cao ý thức người dân, cần tạo điều kiện để người dân không có cơ hội vi phạm. Ví dụ, để Nghị định 155/2016 phát huy hiệu quả, nhà nước cần xây dựng hệ thống các nhà vệ sinh, thùng rác công cộng, xây dựng và quản lý hệ thống thu gom rác thải hoạt động theo quy chuẩn về bảo vệ môi trường.
Theo Luật sư Nguyễn Tri Đức(Đoàn Luật sư TP HCM)