Breaking News

Tin giả đang tràn lang trên internet

Tin tức giả gần đây đã trở nên nóng hơn bao giờ hết khi người ta tố cáo tin tức giả đã được khai thác để làm rối cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016. Cụ thể, tin tức giả bị chỉ đích danh là một trong những nguyên nhân của sự thất bại truyền thông dẫn tới kết quả thất cử bất ngờ và choáng váng của bà Hillary Clinton. Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ FBI đang tiếp tục điều tra những cáo buộc Nga đã dùng các chiêu trò tung hỏa mù, dẫn dắt thông tin trên mạng để can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ.

Bất chấp để đạt mục đích
Gần đây, báo chí trong nước và mạng xã hội thường đăng tải những trường hợp khó khăn để vận động cộng đồng giúp đỡ; đồng thời cũng xuất hiện những kẻ xấu nhẹ thì ăn theo, nặng thì lợi dụng tấm lòng hảo tâm để giở chiêu trò kiếm lợi cá nhân hay thậm chí tập thể. Chẳng hạn, chúng tìm đến những người cần giúp đỡ để chụp hình, quay phim, phỏng vấn họ rồi đưa lên mạng xã hội nhằm tiếp nhận hết các khoản đóng góp hoặc chỉ trao lại cho người cần hỗ trợ một phần. Thậm chí, có những kẻ chỉ cần copy và "xào nấu" những thông tin trên các kênh truyền thông và thay số tài khoản tiếp nhận của mình vào. Có cả những chiêu trò, thậm chí mang tính công nghệ, mạo danh, chiếm tài khoản mạng xã hội của những người có uy tín để kêu gọi đóng góp rồi tìm cách chiếm đoạt. Đây có thể coi là những tin tức giả được tạo ra một cách tinh vi, do kẻ xấu trích dẫn, sử dụng những dữ liệu có thật nhưng bào chế lại, tung hỏa mù để đánh lừa và dẫn dắt người đọc, phục vụ cho ý đồ riêng của mình. Ngoài ra, tin tức giả, nội dung chào hàng, quảng bá sản phẩm gian dối, phóng đại theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó… cũng tràn ngập trên mạng; không ít "cửa hàng" lập ra chỉ để bán hàng nhái, hàng giả.
Một trang tin không phép đăng thông tin giật gân và bị nhiều người dùng Facebook phản ánh Ảnh: CHÁNH TRUNG (NLĐ)
Những "chuyên gia" tạo tin tức giả cũng ngày càng tinh vi hơn. Họ cắt xén những hình ảnh, video ra khỏi ngữ cảnh thật để phục vụ cho kịch bản của mình. Vào YouTube bây giờ, bạn thấy xuất hiện ngày càng nhiều video clip thông tin giựt gân và "độc quyền" được dàn dựng theo lối đọc hay chạy chữ nội dung. Những kẻ tung tin tức giả theo kiểu nhồi sọ, cập nhật liên tục khiến người đọc cũng tin là thật. Các nạn nhân của tin tức giả luôn lâm vào tình cảnh "được vạ thì má đã sưng", có khi phải tốn nhiều tiền để "nói lại cho đúng".
Tỉnh táo sàng lọc
Facebook và Google (với YouTube) đã lên tiếng cảnh báo về tệ nạn tin giả và đang ráo riết xử lý một số vấn đề khác ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu của họ. Chẳng hạn như chuyện những quảng cáo xấu bị chèn vô tội vạ vào những nội dung nghiêm túc của khách hàng đang khiến một số khách hàng cắt đứt quan hệ với YouTube, Facebook… Nhưng thực tế là những tin tức giật gân, nóng sốt lại thu hút được nhiều người xem.
Trước tệ trạng này, Facebook và Google, một mặt chỉnh sửa lại các chính sách có liên quan kèm những hình thức chế tài những kẻ vi phạm, mặt khác họ đang nghiên cứu những thuật toán, công cụ để lọc, phát hiện và ngăn chặn những tin tức giả. Có 2 giải pháp mà Facebook và Google đã cho tiến hành ở bên ngoài là cộng tác với chính phủ những nước mà họ hoạt động để phòng chống tin tức giả, tin tức xấu. Mặt khác, hợp tác với những nguồn cung cấp tin tức có uy tín và các tổ chức có khả năng phát hiện tin tức giả.
Theo các chuyên gia, việc chống tin tức giả phải được tiến hành từ nhiều phía. Nhà chức trách cần có những luật định chi phối. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông phải có cơ chế kiểm soát và chế tài nghiêm khắc đối với những kẻ vi phạm. Nguồn báo cáo tin xấu từ cộng đồng vẫn cần được khai thác tối đa. Người đọc cũng phải luôn cảnh giác với những tin lạ, hấp dẫn, bất thường và cần tỉnh táo sàng lọc. Tốt nhất là biết cách kiểm tra chéo từ nhiều nguồn khác nhau và dựa vào những nguồn tin chính thống, đáng tin cậy.

(Theo NLĐ)

Bài đăng phổ biến