Hồ sơ toàn điểm 10 và chuyện giáo dục tiểu học Việt Nam xếp sau Lào
Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), giáo dục tiểu học của Việt Nam xếp thứ 92 trong số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, sau Lào 3 bậc.
Câu chuyện PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, chia sẻ trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay khiến không ít người phải suy nghĩ.
Cụ thể, ông cho biết mùa tuyển sinh 2015-2016 và 2016-2017, trường Lương Thế Vinh nhận được khoảng 1.000 (trong số 4.000 hồ sơ) có toàn điểm 10 ở cả hai môn Toán và Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học.
Câu chuyện càng "có vấn đề" khi TS Lương Hoài Nam dẫn bảng xếp hạng của WEF cho thấy giáo dục tiểu học của Việt Nam không được đánh giá cao, đứng sau nhiều nước trong khu vực.
Dễ dãi cho 10 điểm ở tiểu học
Từ năm học 2014-2015, Bộ GD&ĐT ra quy định không chấm điểm thường xuyên đối với bậc tiểu học, thay vào đó là nhận xét của giáo viên. Tuy nhiên, để có căn cứ đánh giá kết quả học tập của học sinh, Bộ GD&ĐT quy định chấm điểm bài kiểm tra định kỳ theo thang điểm 10 (cuối học kỳ một và cuối năm học).
Cô Ngọc Linh, giáo viên tại Hà Nội, cho biết: Các bài làm của học sinh trên lớp sẽ được ghi nhận xét, không cho điểm. Các em phải thi giữa và cuối kỳ để cho vào bảng tổng hợp trên mạng, ghi vào học bạ cuối kỳ một và cả năm học.
Cô Linh cũng cho hay tùy thuộc mỗi trường mà có thể làm tròn điểm từ 9,5 lên 10. Nhiều giáo viên có tâm lý động viên, khuyến khích học trò nên dễ dãi cho các em điểm cao. Việc học sinh tiểu học đạt điểm toàn 10 vì thế trở thành chuyện bình thường
Thầy Đào Tuấn Đạt - Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, Hà Nội - cho rằng câu chuyện "điểm ảo" đã có từ lâu chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.
Từ năm 1998, khi Bộ GD&ĐT thí điểm tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng dựa trên kết quả tốt nghiệp ở các địa phương (Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Thuận, An Giang và các trường phổ thông vùng cao Việt Bắc), số học sinh giỏi bỗng tăng vọt. Việc cả nghìn học sinh đạt toàn điểm 10 khi nộp hồ sơ vào trường Lương Thế Vinh vừa qua cũng là câu chuyện tương tự.
Điều này xuất phát từ tâm lý phụ huynh và giáo viên, ai cũng muốn cho các em vào học trường top. Hơn nữa, học sinh tiểu học được tạo cơ hội để có nhiều điểm 10 khi quyền cho điểm phụ thuộc hoàn toàn vào số ít thầy cô. Ở cấp ba, mỗi học sinh có đến 13 giáo viên nên việc này khó hơn.
Hiệu trưởng Đào Tuấn Đạt nhận định việc cho điểm 10 dễ dãi khiến các em hiểu năng lực của mình chênh lệch với đánh giá, dần dần sẽ mất niềm tin, ảnh hưởng nhân cách. Phía phụ huynh sẽ gia tăng bệnh thành tích, áp lực học tập, bắt con phải vào bằng được trường điểm.
Thầy Đạt đồng tình với phương án xét điểm bằng học bạ khi tuyển vào lớp 6 nhưng sau khi vào trường, học sinh có thể làm bài kiểm tra để phân lớp.
Giáo dục tiểu học Việt Nam đang ở vị trí nào?
Cũng liên quan giáo dục tiểu học, TS Lương Hoài Nam mới đây dẫn lại bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) vào tháng 9/2016.
WEF xếp hạng giáo dục tiểu học theo thang điểm từ một (kém nhất) đến 7 (tốt nhất). Việt Nam xếp thứ 92 (3,4), đứng sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan (3,5, xếp thứ 90), Lào (3,5, xếp thứ 89), Philippines, (3,9, xếp thứ 75), Indonesia (4,3, xếp thứ 54), Brunei (5, xếp thứ 26), Malaysia (5,1, xếp thứ 23), Singapore (6,1, xếp thứ 4).
WEF nhận định giáo dục tiểu học là một trong 12 yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh kinh tế của một quốc gia (nằm trong mục Y tế và Giáo dục tiểu học). Theo đó, số lượng và chất lượng giáo dục tiểu học mà mỗi người tiếp nhận quyết định trình độ, hiệu quả làm việc của người đó sau này.
Những người nhận được ít giáo dục cơ bản thường chỉ có thể đảm nhận công việc đơn giản, khó thích ứng với quy trình, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, đóng góp ít hơn vào quá trình sáng tạo, đổi mới nền kinh tế. Nói cách khác, giáo dục tiểu học không tốt sẽ là trở ngại đối với quá trình phát triển kinh tế.
Theo TS Lương Hoài Nam, việc có quá nhiều hồ sơ của học sinh đạt "toàn điểm 10 không tì vết" cả hai môn Văn, Toán trong cả 5 năm tiểu học như thầy Văn Như Cương phản ánh là chỉ dấu về chủ nghĩa hình thức vẫn còn rất nặng trong hệ thống giáo dục nước ta, cả từ phía nhà trường và từ phía phụ huynh.
Điều khiến ông Nam trăn trở là con số xếp hạng thứ 92 của Việt Nam trong số 144 nền giáo dục. Chúng ta cũng xếp sau các quốc gia khác trong khu vực, trong đó kém Lào 3 bậc.
TS Lương Hoài Nam cũng băn khoăn về việc dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT đã công bố không hề có phần đánh giá chi tiết thực trạng giáo dục phổ thông.
“Thực tế, nền giáo dục nước ta đang ở đâu trên thế giới này? Tôi không biết. Nhiều người khác cũng không biết. Vậy làm sao biết cần cải cách những gì và cải cách sâu, mạnh đến đâu?", ông Nam nêu câu hỏi.
PGS Văn Như Cương - người nhận được 1.000 hồ sơ đạt điểm toàn 10 từ lớp một đến lớp 5 trong suốt 2 năm qua - cũng phải thốt lên đầy bối rối: “Học sinh Việt Nam giỏi nhất thế giới”.
Theo VTV, ông Tạ Ngọc Trí, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho biết: Việc giáo viên động viên, khuyến khích các em bằng cách cho nhiều điểm 9, 10 là không đúng với tinh thần đánh giá học sinh tiểu học.
Giáo viên nên động viên, khuyến khích, trao đổi, phụ đạo để các em tự nhận ra những khuyết thiếu của mình và hoàn thiện. Bài kiểm tra định kỳ chỉ đạt điểm 5, 6 lại được giáo viên cho điểm 9, 10 không phải là điều Bộ GD&ĐT quy định, cũng như không phải sự động viên khích lệ như đúng mong muốn.